THE MAHATMA LETTERS TO A.P. SINNETTE (1)

 

Bắt đầu từ số này, PST xin đăng loạt bài học tác phẩm The Mahatma Letters to A.P. Sinnett (ML) in chronological sequence.

 

1. Giới thiệu.
Quyển ML là một trong những tác phẩm quan trọng nhất về Theosophia mà ai thật tâm muốn học hỏi MTTL cần đọc. Sách được xuất bản nhiều lần từ năm 1923 và tới nay có bốn ấn bản. Trong ba ấn bản đầu các thư được xếp theo đề mục thay vì theo thứ tự thời gian, riêng ấn bản thứ tư có nội dung sắp xếp theo cách sau, và ta sẽ dùng ấn bản này trong việc học.
Như tên sách cho biết, tác phẩm là tổng hợp những bức thư mà ông Alfred Percy Sinnett nhận được từ các Chân sư Minh triết trong khoảng từ năm 1881 đến năm 1885. Khi ông qua đời, những thư này được người thừa hành di chúc của ông hợp tác cùng một số nhân vật khác và cho xuất bản thành sách lần đầu tiên vào tháng 12, 1926, do ông A. Trevor Barker sắp xếp. Ấn bản thứ hai có sửa chữa được phát hành vào năm 1926. Ấn bản thứ ba có hiệu đính kỹ lưỡng cộng thêm sự hợp tác quí giá của những học viên tiếng tăm như hai vị C. Jinarajadasa và B. de Zirkoff, cho ra năm 1962. Dầu vậy, phải tới ấn bản thứ tư năm 1993, sách mới được xếp theo cách hợp lý là thứ tự thời gian do ông Vicent Hao Chin Jr. thực hiện. Cách này làm ý tưởng trôi chẩy mạch lạc, việc tra cứu dễ dàng hơn, nếu thuận tiện xin mời bạn đọc nguyên tác Anh ngữ.
Đại đa số các thư là cho ông Sinnett, ngoài ra sách có vài thư cho ông Allan Octave Hume. Nhiều học viên dành cả đời học hỏi những thư này, do đó ta có một số tác phẩm liên hệ như quyển Meditations của bà K. Beechey mà PST đã ấn hành (quyển Chân Lý Hằng Ngày), gồm những câu trích từ thư của các Chân sư; hai quyển Reader's Guide to the Mahatma Letters (Virginia Hanson và George Linton) và Introduction to the Mahatma Letters (Virginia Hanson). Ông V.H. Chin đem những ghi chú của hai quyển sau vào quyển ML ấn bản thứ tư, nhằm giúp người đọc hiểu thêm bối cảnh của sách và do vậy khiến tác phẩm thêm phong phú.
Về các bức thư của Chân sư, ban đầu người thừa hành di chúc của ông Sinnett tặng tất cả các thư cho British Museum tại London, và người ta có thể đến xem chúng ở nơi này, nhưng gần đây có tin là bảo tàng viện thay đổi xếp đặt trên và thư được lưu trữ nơi khác hình như là Hòa Lan.

2. Lai lịch sách.
Muốn biết vì sao có những thư này, ta cần có hiểu biết về người viết là những Chân sư và và người nhận thư  là ông Sinnett.

● Các Chân Sư.
M. Damodar, một trong các nhân vật tiền phong của hội, được cho là người đầu tiên dùng chữ Mahatma (Maha = đại, Atma = phần tinh thần cao cả nhất của người, Mahatma tạm dịch là vị thánh nhân, Mahatma Gandhi hay thánh Gandhi là người được tặng danh hiệu này) để gọi các Chân sư. Bà Blavatsky giải thích ý nghĩa của chữ này như sau:
- Vị Mahatma là nhân vật nhờ giáo dục và huấn luyện đặc biệt đã phát triển được những quyền năng cao hơn, và đạt được hiểu biết tinh thần mà người thường sẽ có được sau khi trải qua vô số kiếp trong cuộc tiến hóa, nếu họ không đi ngược với mục đích của Thiên nhiên ...
Rải rác trong những thư từ và bài viết của HPB, ta ghi nhận thêm các ý về Chân sư:
- Các ngài là thành viên của một tổ chức huynh đệ bí truyền, mà không thuộc một trường phái nào riêng nào tại Ấn.
Bà thêm rằng tổ chức huynh đệ này không phát sinh ở Tây Tạng, cũng như vài thành viên cư ngụ bên ngoài nước này, tuy nhiên đa số thành viên và vài đấng cao cả nhất cư ngụ trong Tây Tạng. Các ngài là người có xác phàm, đang sinh sống ở cõi trần mà không phải là 'vong linh'. Mức hiểu biết và sự học hỏi của các ngài hết sức rộng lớn, nét thánh thiện của các ngài lại càng lớn hơn nữa, dầu vậy các ngài vẫn mang thân xác chịu sự sinh tử, và không vị nào tới 1,000 tuổi như vài người tưởng tượng. Khi được hỏi là phải chăng các vị đã khám phá ra thuốc trường sinh bất tử, HPB nghiêm trang đáp:
- Đó không phải là chuyện hoang đường. Nó chỉ là tấm màn che đậy một tiến trình huyền bí, ngăn chặn việc già lão và tan rã trong khoảng thời gian mà người đời xem rất là kỳ diệu. Điều bí mật là thế này, mỗi người đều có một lúc nào đó tiến gần đến sự tử, nếu họ làm tiêu tán sinh lực thì không thoát khỏi cái chết; tuy nhiên nếu họ sống theo luật thì có thể qua được và tiếp tục sống gần như là vô hạn trong cùng thân xác ấy. (Collected Writing, vol. VIII, p. 392).
Tác giả những thư trong sách là hai ngài Koot Hoomi và Morya, thường gọi tắt là K.H. và M.
Đức K.H. là người Ấn vùng Kashmir, vào thời điểm của các bức thư thì ngài là một tu sĩ phái Mũ Vàng (Gelugpa) của Phật giáo Tây tạng. Tên 'Koot Hoomi' là một tên bí ẩn được dùng trong thư từ liên lạc với ông Sinnett. Có gợi ý là Chân sư đã từng theo học đại học tại Đức và Anh, bút tích và chuyện kể của những ai được tiếp xúc với ngài cho thấy ngài nói và viết thông thạo tiếng Anh và Pháp. Ngài quen thuộc với lề thói và cách suy nghĩ của tây phương, rất thông thái và thỉnh thoảng viết những đoạn văn tuyệt vời.
Đức M. là một hoàng thân Rajput, thuộc giai cấp cai trị ở miền bắc Ấn lúc bấy giờ. Lời mô tả về ngài nói rằng Chân sư cao lớn, hai thước, oai nghi, tuấn tú.

● Diễn biến.
Hội Theosophia được thành lập tại New York năm 1875, sang năm 1879 hai vị sáng lập là ông Olcott và bà Blavatsky dời trụ sở sang Ấn, ban đầu ở Bombay và rồi năm 1882 chuyển về Adyar, Chennai miền nam của Ấn cho tới ngày nay.
Thuở ấy tại Ấn có báo Anh ngữ The Pioneer rất có thế lực trong giới người Anh thuộc tầng lớp thượng lưu, cầm quyền trong xã hội. Chủ bút tờ báo này là ông Alfred Percy Sinnett, ông lưu tâm đến triết lý mà hai vị quảng bá, và tỏ ra hiếu kỳ với những hiện tượng nghe kể là xẩy ra chung quanh HPB. Chín ngày sau khi hai vị đến Bombay, ông Sinnett viết thư cho ông Olcott ngày 25 - 2 - 1879, ngỏ ý muốn làm quen với hai người, và cho biết sẵn lòng cho đăng bất cứ điều chi thú vị về công việc của họ tại Ấn.
Ngày 27 - 2 - 1879, ông Olcott trả lời và như vậy bắt đầu một tình bạn rất mãn nguyện và sự liên kết vô cùng giá trị. Hai vị được mời đến nhà ông bà Sinnett tại Allahabad, và tới đây vào tháng 12 - 1879. Nhân dịp này hai ông bà Sinnett gia nhập hội, cũng tại đây hai vị sáng lập gặp một số khách khác mà về sau có can dự phần nào vào công việc của hội trong những ngày đầu. Đó là ông bà A.O. Hume tại Simla, bà Alice Gordon tại Calcutta.
Sang năm sau, hai vị viếng thăm ông bà Sinnett tại nhà mùa hè của họ ở Simla, dẫn tới việc có trao đổi thư từ với Chân sư mà kết cục là tác phẩm ML. Tại đây HPB thực hiện một số hiện tượng lạ lùng mà bà cho là nhờ Chân sư mới có, và nói là bà thường xuyên tiếp xúc với các ngài hoặc nhiều hoặc ít. Ông Sinnett tin đây là những hiện tượng thật và trong quyển sách The Occult World của mình, ông cố công nhấn mạnh đến tính xác thực của chúng.
Ông cũng có óc thực tế và khoa học, muốn được biết thêm về các luật quản trị những hiện tượng này. Đặc biệt, ông muốn được biết về những nhân vật giỏi dang mà HPB gọi là 'Chân sư, Master', và theo bà chính các ngài mới là tác giả đích thực của những hiện tượng. Ông hỏi bà là ông có thể nào tiếp xúc với các ngài và nhận được chỉ dạy.
HPB đáp rằng không chắc lắm nhưng bà sẽ thử làm. Trước tiên bà ngỏ ý với thầy của bà là Chân sư M. nhưng ngài thẳng thừng từ chối, không muốn dính líu đến chuyện. Dầu vậy về sau ngài chịu trao đổi thư từ trong vài tháng do có trường hợp đặc biệt. Có vẻ như HPB dọ ý nhiều vị khác nhưng chuyện không thành. Cuối cùng, Chân sư K.H. ưng thuận có liên lạc giới hạn với ông Sinnett.
Ông viết một thư đề tựa là 'To the Unknown Brother', và đưa cho HPB trao giùm. Thực tế là ông quá hăng hái muốn thuyết phục ngài với đề nghị của mình nên viết tiếp một thư thứ hai, trước khi nhận được trả lời cho thư đầu. Việc trao đổi thư từ diễn ra trong vài năm, cho ra nhiều hệ quả có ảnh hưởng rộng lớn, và cuối cùng dẫn đến tác phẩm ta học hôm nay.
Có thể còn một lý do khác cho việc có những thư này. Một nguồn tài liệu nói rằng trong kiếp xa xôi ở Ai Cập, ông Sinnett tạo điều kiện thuận lợi cho một thiếu niên được nhận vào đền thờ học hỏi chuyện tâm linh. Thiếu niên học thành đạt và tiến xa, ngày nay nhân duyên đưa đẩy khiến hai người gặp nhau, tạo cơ hội cho đức KH trả lại ân xưa.

● Cách gửi và nhận thư.
Để hiểu rõ sự việc, ta cần nắm vững bối cảnh lúc bấy giờ của hai bên trong việc liên lạc. Một bên là ông Sinnett hoặc ở tại Allahabad, hoặc ở Simla; bên kia là các chân sư ở nơi hẻo lánh xa cách người trần, và tự nhiên là không có địa chỉ để gửi bưu điện ! Vậy đôi bên liên lạc bằng cách nào ? Ít nhất có hai cách được cho biết trong sách, một là thư có thể đưa ai có dây liên lạc tâm linh với các Chân sư tức những đệ tử thí dụ như HPB. Người này sẽ đọc thư – bằng cách áp thư nằm trong phong bì dán kín lên trán và đọc theo cách huyền bí – rồi chuyển đến ngài bằng tư tưởng. Họ cho biết khi gửi đi rồi thì không còn nhớ nội dung thư. Cách khác là ông Sinnett đặt thư vào một chỗ riêng thí dụ hộc tủ, lát sau mở ra thì thấy thư biến mất.
Việc nhận thư cũng có nhiều cách, thư hồi âm có thể được gửi theo lối thông thường là bưu điện. Trong vài trường hợp chuyện lý thú là điện tín trả lời có ghi ngày giờ, cho thấy nó được gửi đi chỉ vài giờ sau khi thắc mắc được nêu trong thư, và địa chỉ bưu điện thì cách xa nơi thắc mắc được viết cả mấy ngàn cây số. Cách nữa là thư đột nhiên hiện ra trong không, rơi xuống trước sự chứng kiến của nhiều người trong phòng.

Thư không nhất thiết do chính Chân sư viết, mà thường khi do các đệ tử của ngài. Sự kiện được giải thích là sau khi đọc thư và nghĩ ra lời hồi đáp, ngài tạo hình tư tưởng mạnh mẽ về lời hồi đáp này, gây ấn tượng về nó lên trí não của một đệ tử, rồi người này sẽ viết ra thành thư bằng phương pháp huyền bí và gửi bằng cách thông thường như bưu điện, hoặc tự tay đưa cho ông Sinnett, hoặc thư hiện ra trong không. Nhiều trường hợp khác thì người A nhận được thư của người B gửi, khi mở ra lại thấy có những lời ghi chú của Chân sư trong thư; nói khác đi chúng được viết trong lúc thư trên đường tới người A, ghi xuyên qua phong bì dán kín.
Điều này dẫn tới vài chuyện hết sức đáng tiếc về sau. Ông Sinnett có lòng tự hào mình là người Anh là chủng tộc được trọng vọng trên thế giới lúc bấy giờ, ông cho rằng mình có thể trình bầy MTTL hiệu quả hơn HPB và ông Olcott, nên có thể có sự ganh tị trong tiềm thức. Ông tin là khi thư trả lời phải qua tay HPB trước khi tới tay ông, không chừng HPB đã mở ra xem trước rồi sửa đổi lời thư khiến chỉ dạy trong thư của Chân sư bị khác đi, hoặc tệ hơn nữa HPB ghi nhớ và đem vào sách của bà những hiểu biết lẽ ra chỉ dành riêng cho ông. Nói thẳng ra ông cáo buộc HPB 'cầm nhầm' tài liệu của mình.
Nhân cách của HPB nay đã rõ trắng đen cho thấy không có việc ấy, và xem xét kỹ thì HPB không cần phải làm như vậy. Bởi ngay từ lúc ban đầu, kiến thức và khả năng tâm linh của HPB vượt xa hết thẩy những ai liên quan đến hội lúc đó, trước hết bà chỉ dẫn cho hai ông Olcott và Judge tại New York, Hoa Kỳ; sang Ấn thì bà hướng dẫn hai ông Hume và Sinnett khi hai vị mới tìm hiểu về MTTL và chưa tiếp xúc với Chân sư. Nhận xét sai lầm của ông Sinnett cần phải nêu lên, bởi những tác phẩm của ông vẫn còn được đọc ngày nay, và ai không rõ chuyện có thể tiếp tục nghĩ oan cho HPB, nhất là quyển The Early History of Theosophy in Europe của ông, có những lời hàm hồ đối với HPB là điều thực không phải.
Ta nói thư được 'viết', nay cần giải thích rõ hơn.  Đó là người viết – hoặc chính Chân sư hoặc một đệ tử – sau khi tượng hình lời thư rõ rệt trong trí, dùng sức mạnh tư tưởng tụ (precipitate) lời thư vào giấy. Nó có nghĩa là với cách viết thông thường, nét mực không ăn sâu vào giấy và khi gôm kỹ thì có thể xóa sạch; còn với cách tụ chữ lên giấy, nét mực đi sâu xuống giấy nên khi gôm thì giấy bị bào mòn nhưng chữ không bay mất mà vẫn còn đó, mực như được ấn vào trong bề dầy của giấy. Trong vài trường hợp hiếm hoi, Chân sư có thể tự tay viết thư và gửi bưu điện.
Có một điều dường như rõ ràng là Chân sư rất khó mà tạo hiện tượng như trên với người thường, tức ai không phải là đệ tử,  hoặc không có năng lực tâm linh cần thiết. Có vẻ như ngài phải dùng nhiều năng lực hơn bình thường để làm vậy, mà cũng chỉ đạt được kết quả ít oi hơn rất nhiều.
Ngoài thư cho hai ông Sinnett và ông Hume, còn nhiều người khác cũng nhận được thư của Chân sư. Về sau, có nghi ngờ nêu lên là các thư này là thật hay giả. Một thuyết đưa ra cho rằng HPB có người đồng lõa, gửi thư của bà viết mà không phải là của Chân sư. Nói như vậy thì HPB phải có rất nhiều người trợ giúp trên khắp đất Ấn, vì các thư nhận được mang dấu bưu điện rải rác cùng khắp nước. Lại nữa, có thư nhận được trong lúc xe lửa đang chạy băng băng qua chỗ đồng không mông quạnh, thư từ trần trong toa xe rơi xuống; khi khác có người đang trong phòng một mình trên tầu lênh đênh giữa biển, và thư hiện ra trong khoảng không. Chưa ai giải thích làm sao người đồng lõa - nếu có - làm được những việc này, cũng như cho tới nay chưa có ai hoặc tài liệu nào nói hoặc nhận rằng mình là đồng lõa giúp HPB, ngoại trừ ông bà Coulomb (xin đọc chuyện HPB đăng trên báo PST và trang web) nhưng không trưng ra được  bằng cớ nào, vì lẽ giản dị là không có việc gian dối.

3. Giá Trị của sách.
Có thể nói không sai chạy là sách được  liên tục nghiên cứu học hỏi từ khi được xuất bản lần đầu năm 1923. Ta kể ra được vài lý do cho sự kiện ấy, một phần là do tính cách của tài liệu, thư do các Chân sư trao đổi thì quả là chuyện có một không hai. Phần khác là nội dung quí giá. Có hai điểm cần bàn ở đây, một là ý nghĩa của các Chân sư đối với hội, và hai là giá trị của nội dung.
Nói đến hội Theosophia là phải nói đến các Chân sư, tuy rằng về một mặt nó sinh ra chuyện lẽ ra nên tránh. Ý niệm về những đấng cao cả khi được đưa ra cho công chúng chưa sáng suốt về tâm linh thì nó không được nhận thức đúng nghĩa; phẩm cách, con người, việc làm của các ngài bị phê bình một cách thiếu hiểu biết, khiến HPB có lần tỏ ý hối tiếc là đã trưng ra những ý niệm này. Dầu vậy không thể không trình bầy, vì hội do các ngài lập ra, các ngài mới là sáng lập viên đích thực của hội, và ta cần hiểu dụng ý của các ngài khi lập hội để đưa hội tới mục đích mà ngài đã nhắm kỹ, khiến hội hoàn thành sứ mạng của nó. Mặt khác, các ngài là tương lai của chúng ta, là kết quả của việc học hỏi cùng áp dụng MTTL. Có hiểu biết kỹ càng về Chân sư thì ta thấu đáo hơn triết lý mà ngài muốn giảng, nắm được đúng ý ngài.
Nguồn gốc lạ lùng của thư  muốn nói ta rất may mắn có tài liệu như thế để chỉ cho thấy con đường đạo. Thư có những đoạn chỉnh lại quan niệm sai lầm của thế gian về nhiều việc, và bởi nó được Vị có hiểu biết thâm sâu đưa ra, ta có thể tin tưởng hoàn toàn. Những chỉ dạy trong sách có ý nghĩa tâm linh và tâm lý xác đáng, tuyệt vời, tựa như châu ngọc, càng đọc càng làm ta ngây ngất, say đắm vì nét mỹ lệ và minh triết, như được uống nước tận nguồn mà quả thực là vậy. Chúng được các học viên từ ban đầu có sách đến nay dùng như là thước đo, dựa vào đó mà xem xét những chỉ dạy khác có phải là MTTL.
Thư trước tiên là nhằm chỉ dạy MTTL cho ông Sinnett một cách trực tiếp, mà khi được xuất bản thì chúng chỉ dạy người đọc nói chung một cách gián tiếp. Có nhận xét dường như không quá lời, nói rằng quyển ML là mỏ vàng MTTL, và ai cố công đào xới, đãi lọc sẽ được đền bù trọng hậu.

4. Cách đọc.
Tác phẩm không được đọc một mình mà ta sẽ đọc nó chung với một số sách khác, nhằm bổ túc khung cảnh xoay quanh thư, cho phép ta hiểu rõ hơn chuyện được đề cập trong thư, hoặc chuyện nào không được đề cập nhưng có ảnh hưởng cho diễn biến về sau. May mắn là ta đã làm phần nào việc này với loạt bài HPB đang có trên báo, khi đọc hai loạt bài HPB và ML chung với nhau, ta sẽ thấy được toàn cảnh, những nguyên do và sự việc mà thư đề cập, nhìn được câu chuyện trọn vẹn hơn. Những sách đề nghị bạn đọc thêm là:
- The Occult World, by A. P.Sinnett
- The Letters of H.P.Blavatsky to A.P. Sinnett,  A. Baker edited.
- Readers' Guide to the Mahatma Letters to A.P. Sinnett, by George E. Linton and Virginia Hanson.
và website:
- blavatskyarchives.com

 Khi cần, ta sẽ ngưng lại để giải thích. Thư sẽ không được dịch hết sang Việt ngữ vì một số khá dài, thay vào đó ta sẽ chỉ dịch những đoạn có ý nghĩa đặc biệt hoặc cần bàn. Lại nữa, chỉ dạy được nhắm cho ông Sinnett do đó nhiều cách được sử dụng để làm ông hiểu ý, như các thí dụ và điển tích trong triết lý, văn chương Hy Lạp, Latin, Do Thái là những điều mà ông Sinnett quen thuộc do văn hóa của ông, nhưng lại xa lạ cho chúng ta. Bởi vậy những đoạn nào xét ra không cần thiết sẽ được lướt qua hoặc sẽ được tóm tắt ý.
Nhiều thắc mắc được nêu từ khi sách ra đời. Lẽ tự nhiên người đọc sẽ tự hỏi vì sao Chân sư chịu bỏ công lao và ngày giờ để trao đổi thư từ với hai ông Sinnett và Hume. Ta không thể có câu trả lời vì vậy chỉ có thể phỏng đoán, người ta tin rằng các Chân sư tìm mọi cách để giảm bớt ảnh hưởng duy vật của cuộc cách mạng cơ giới tại Âu châu trong thế kỷ 19, và muốn sử dụng hai ông cho mục đích ấy bằng cách khuyến khích họ trình bầy MTTL cho người trí thức Âu châu. Hai ông là người có uy tín trong xã hội Anh nói riêng và Âu châu nói chung, một lợi thế mà HPB và ông Olcott không có, ý kiến của họ có thể cho tiếng vang rộng lớn, và khiến khoa học gia, triết gia tây phương sẵn lòng xem xét MTTL.

Thắc mắc khác kéo dài từ lúc có sách cho đến nay là thư có nên được xuất bản như đã làm không ? Một số thư có chi tiết riêng tư cho thấy người viết không nghĩ là có ngày thư sẽ được trưng ra cho công chúng, mà ngụ ý chính là ông Sinnett và ông Hume sẽ dùng các chỉ dạy trong thư, sắp xếp lại theo hình thức thuận lợi, có mạch lạc để xuất bản về sau. Cả hai đã làm việc này qua các sách của ông Sinnett và nhiều bài viết của ông Hume trên tạp chí The Theosophist. Hiện nay vẫn còn tranh luận việc nên hay không nên, nhưng bởi sách đã ra do vậy câu hỏi chỉ còn tính cách sách vở và không có tính thực tế. Điều mà ai nghiên cứu sách cũng nhìn nhận, là việc xuất bản đã mang lại ích lợi to tát cho thế giới và nhiều thế hệ học viên Theosophia.
Ông Sinnett là một nhân vật quan trọng trong lịch sử hội nên tiểu sử của ông đáng được biết tới, ta cũng phải cám ơn là nhờ ý muốn học hỏi Theosophia của ông mới có được những thư này. Bạn có thể đọc chi tiết tiểu sử của ông trong quyển Damodar and the Pioneers of the Theosophical Movement,  by Sven Eek; ngoài ra trên PST và trang web rải rác có những bài đề cập phớt qua về ông, như trong chuyện HPB và bài Thánh Thư 1881, xin mời bạn xem lại.
Sách như chuyện con người, có thành công và thất bại, có điều sáng tỏ mà cũng có nhiều bí ẩn, có óc sáng suốt mà cũng có lòng cao ngạo, cứng đầu, khờ dại; có chuyện đáng thương và đáng trách, có ước vọng và thất vọng, và trên hết thẩy có minh triết thâm sâu. Khi đọc sách ta cần nhớ rằng vào thời điểm đó (1879) chưa có sách vở TTH phong phú như ngày nay. Tài liệu duy nhất được phát hành là bộ Isis Unveiled, các hội viên thuở ban đầu bị thiếu thốn rất nhiều về mặt sách vở và từ ngữ. Bởi chưa có những danh từ chuyên môn về TTH, hai ông Sinnett và Hume bị lúng túng với ý niệm, tên gọi; các Chân sư cũng gặp khó khăn khi giải thích các luật và nguyên lý trong thiên nhiên vì không có chữ so với hiện giờ. Bài sẽ lược giải những gì đã mất thời gian tính, và dùng chữ đương thời để làm rõ nghĩa cũng như để giản dị hóa ý và lời thư.

Ta sẽ vào chuyện trong số PST 60.

Geese

Thông Báo
Hiện PST đang cần hình của hội quán Hội Thông Thiên Học Việ
t Nam trên đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận, trước 75 để đưa vào sách Theosophical Encyclopedia, ấn bản thứ hai. Rất mong quí độc giả trợ giúp bằng cách nếu có hình mặt tiền của hội quán xin vui lòng scan và gửi file theo email về cho báo. Xin đừng gửi hình bằng bưu điện vì nếu thất lạc thì rất đáng tiếc. Nếu quí vị biết ai khác có hình xin cho PST hay để liên lạc, ngoài ra PST cũng mong có được tất cả những hình ảnh khác về hội Việt Nam bằng cách scan hình như vừa nói.